Những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ thư viện trong thời kỳ chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ cấp thiết của các thư viện nhằm cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho cán bộ và đặc biệt là mang lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng tin trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, cán bộ thư viện - những người được coi là “linh hồn” của thư viện, chủ thể của hoạt động thư viện cũng cần có những thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới.
1. Chuyển đổi số trong thư viện
Theo Microsoft, chuyển đổi số là một sự đổi mới kinh doanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT), cung cấp những cách mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi cho các hoạt động kinh doanh của họ.
Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới
Theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy phát triển doanh thu và thương hiệu (1).
Chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn diện của mô hình và tổ chức bằng các thông tin kỹ thuật số. Cụ thể, nó là việc ứng dụng công nghệ số vào tất cả khía cạnh của một tổ chức, đơn vị. Khi đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một tổ chức, đơn vị hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho người dùng (2).
Chuyển đổi số là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, đơn vị; ứng dụng các công nghệ nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình hoạt động và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho các tổ chức, đơn vị (3).
Như vậy, chúng ta có thể hiểu, chuyển đổi số trong thư viện là việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia.
2. Mục tiêu chuyển đổi số trong thư viện
Ngày 11-2-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu: “Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập”.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025
100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là thư viện có vai trò quan trọng) hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.
100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 80% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học khác, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).
70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa.
100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Định hướng đến năm 2030
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc (4).
Như vậy, mục tiêu chuyển đổi số trong thư viện nhằm ứng dụng toàn diện công nghệ để nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, góp phần hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập...
3. Những yêu cầu đặt ra đối với cán bộ thư viện
Cán bộ thư viện là một trong bốn yếu tố cấu thành nên thư viện (bao gồm tài nguyên thông tin, người dùng tin, cán bộ thư viện và cơ sở vật chất - kỹ thuật), là nguồn nhân lực không thể thiếu trong bất kỳ một thư viện nào, dù đó là thư viện truyền thống, thư viện điện tử hay thư viện số. Họ là người đóng vai trò quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của thư viện.
Trước đây, khi nói đến cán bộ thư viện, người ta thường quen với hình ảnh đơn thuần là những người thu thập, xử lý rồi cất giữ tài liệu vào trong các kho sách khép kín, những người thụ động ngồi chờ người dùng tin đến với thư viện. Ngày nay, dưới tác động của công nghệ, hình ảnh đó đã có những thay đổi tích cực. Ở nhiều thư viện, các bộ sưu tập tài liệu giấy đã dần nhường chỗ cho các bộ sưu tập số. Người dùng tin có thể tra cứu được ở bất kỳ đâu có máy tính nối mạng, không còn bị bó hẹp trong bốn bức tường của thư viện cũng như không còn bị giới hạn trong khung giờ phục vụ. Mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa trong không gian ba chiều của thế giới số. Công nghệ đã làm thay đổi cơ bản công việc của cán bộ thư viện. Vậy đứng trước bối cảnh đó, với vai trò là cầu nối giữa thông tin và người dùng tin, cán bộ thư viện cần những năng lực gì để đáp ứng yêu cầu công việc.
Hội thảo Chuyển đổi số và liên thông thư viện do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 23-5-2022 tại Hà Nội - Ảnh: Vụ Thư viện cung cấp
Yêu cầu thứ nhất, cán bộ thư viện phải có trình độ chuyên môn vững vàng và kiến thức về công nghệ thông tin để chủ động giải quyết, xử lý mọi tình huống nghề nghiệp, hoàn thành tốt công việc. Nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay, khi mà người dùng tin đang chuyển dần thói quen từ đọc sách, báo giấy sang đọc sách điện tử hay các trang báo trực tuyến, khi mà chỉ với một máy tính được kết nối mạng internet, người dùng tin từ khắp nơi trên thế giới đều có thể truy cập và khai thác toàn bộ kho tài liệu của một thư viện số, ngoài việc nắm chắc các công việc chuyên môn trong một thư viện truyền thống, cán bộ thư viện phải là một thành viên không thể tách rời của môi trường làm việc điện tử với trình độ, kiến thức nhất định về công nghệ thông tin, biết vận hành, sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Đúng như Morris đã từng nói: “Kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ thư viện là các kiến thức cơ bản về phần cứng, khắc phục sự cố, hiểu biết về các chương trình phần mềm và kỹ năng tìm kiếm, hiển thị và truy xuất dữ liệu một cách hiệu quả trong nhiều hệ thống truy xuất thông tin” (5).
Yêu cầu thứ hai, có khả năng định hướng, tư vấn thông tin cho người dùng. Rusbridge đã nhận định: Nhiệm vụ của cán bộ thư viện trong thế giới số hiện nay cũng như những gì đã thực hiện trong thế giới tài liệu in ấn - không chỉ trong việc ngăn chặn truy cập tới các tài liệu rác, mà còn trong việc khuyến khích truy cập tới những gì có chất lượng (6). Sự phát triển của khoa học công nghệ đã góp phần dẫn tới sự “bùng nổ thông tin”. Sự “bùng nổ” này vừa mang đến cơ hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức cho người dùng tin. Người dùng tin có cơ hội tiếp cận dễ dàng tới rất nhiều nguồn thông tin khác nhau thông qua mạng internet. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi cao về khả năng đánh giá để có thể lựa chọn được những nguồn thông tin tin cậy và chính xác. Bởi các thông tin trên internet được tự do xuất bản mà không thông qua một sự kiểm duyệt nào. Do đó, cán bộ thư viện sẽ là người đóng vai trò điều phối giữa một bên là dòng thác thông tin và một bên là nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội. Cán bộ thư viện không phải chỉ là người đáp ứng nhu cầu tin của người dùng một cách thụ động mà còn là “ngọn hải đăng” định hướng, chỉ dẫn, hỗ trợ để họ tiếp cận được đến những nguồn thông tin có giá trị và phù hợp nhất với nhu cầu. Để làm được điều này, cán bộ thư viện phải có khả năng giao tiếp tốt với nhiều nhóm người dùng tin, thực sự hiểu được bản chất cũng như nhu cầu tin của họ.
Yêu cầu thứ ba, có kỹ năng đánh giá và tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thư viện có chất lượng. Đây là một năng lực rất cần thiết đối với cán bộ thư viện trong giai đoạn chuyển đổi số. Bởi kỹ năng này sẽ giúp cán bộ thư viện nhìn nhận và đánh giá được mối tương quan giữa mức độ phát triển của xã hội và năng lực đáp ứng nhu cầu tin của thư viện mình để từ đó có những quyết sách phù hợp trong việc tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thư viện có chất lượng trong tương lai.
Yêu cầu thứ tư, cán bộ thư viện ngoài các kỹ năng thư viện truyền thống, một mặt cần có hiểu biết về các công nghệ liên quan tới thư viện số và kỹ thuật phân phối các dạng thức mới của nguồn và dịch vụ thông tin, tạo lập trang web, xây dựng và duy trì mạng máy tính, thiết kế giao diện tìm kiếm thông tin, trình độ sư phạm để đào tạo người dùng tin. Mặt khác, họ cần có khả năng thích nghi và làm việc hiệu quả với một môi trường năng động và luôn tiềm ẩn sự thay đổi như môi trường mạng (7). Do vậy, cán bộ thư viện phải luôn chủ động tham gia vào quá trình học tập suốt đời. Việc học tập suốt đời với cán bộ thư viện có thể là việc học hỏi, tìm hiểu những công nghệ mới được áp dụng trong ngành Thư viện hay tạo cho mình cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề mới, rèn luyện khả năng bắt kịp những ý tưởng mới hoặc đơn giản là việc tìm hiểu kiến thức của những ngành khoa học khác... Cán bộ thư viện luôn là người tiếp cận với cái mới: thông tin mới, công nghệ mới, người dùng tin mới và những nhu cầu thông tin cũng luôn luôn mới. Nếu không thực sự thực hiện việc học tập suốt đời, cán bộ thư viện sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, không theo kịp được sự phát triển của xã hội. Đồng thời, việc học tập suốt đời cũng sẽ giúp cho cán bộ thư viện có được các kỹ năng mềm thiết yếu: kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, kỹ năng chia sẻ và hợp tác...
______________
1. Châu An, Chuyển đổi số là gì, vnexpress.net, 13-5-2019.
2. Chuyển đổi số và số hóa, mục tiêu và định hướng chuyển đổi số trong Thư viện, dlcorp.com.vn, 9-9-2021.
3. Chuyển đổi số là gì? Tầm quan trọng của chuyển đổi số hiện nay, issi.vn.
4. Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-2-202 Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Rao, K. Nageswara and Babu, KH, Role of Librarian in Internet and World Wide Web Environment (Vai trò của cán bộ Thư viện trong môi trường Internet và World Wide Web), Khoa học cung cấp thông tin, 4 (1), 2001, tr.25-34.
6, 7. Liz Burke, The future role of librarians in the virtual library environment (Vai trò tương lai của cán bộ thư viện trong môi trường thư viện ảo), The Australian Library Journal (Tạp chí Thư viện Úc), 51 (1), 2002, tr.31-45.
PHẠM THỊ THÚY NGA - VŨ THỊ HÀ VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022